Cá cảnh Thái Hòa xin giới thiệu tới quý người chơi thông tin về loại cá Hải Hồ Quỷ Đốm – Satanoperca Daemon, một loại cá Hải Hồ rất được ưa chuộng trong giới người chơi cá cảnh. Sau đây là bài viết được dịch từ trang Cichlidae. Mời quý người chơi tham khảo.
Thông thường khi một nhà thủy sinh nuôi và nghiên cứu cichlid, sự tập trung của anh (hay cô ấy) trở nên ngày càng chuyên biệt. Khởi đầu với cichlid Nam Mỹ gần hai thập kỷ trước, thú vui đã dẫn dắt tôi tập trung vào các loài “ăn đất” (eartheater), nhất là những con thuộc chi Satanoperca. Theo chỗ tôi biết, chi cá hiện bao gồm sáu loài: S. jurupari, S. leucosticta, S. pappaterra, cùng với ba loài thuộc về một nhóm gọi là “cá quỷ đốm” (spotted demonfish), Satanoperca daemon, S. lilith và S. acuticeps. Trong khi ba loài đầu (thuộc cái-gọi-là juruparoids) tương đối khó nuôi và lai tạo, thì các thành viên ở bộ ba (trio) sau là một thách thức đặc biệt với các nhà thủy sinh về khía cạnh sưu tầm, duy trì và sinh sản. Các thảo luận về Satanoperca daemon tuy hiếm nhưng đầy đủ, có thể được trích dẫn từ tài liệu của Loiselle (1980), và Leibel (1992a, b) để xây dựng một kế hoạch nuôi hồ. Trong bài viết này, tôi duyệt qua những thông tin về sinh thái học cơ bản và chăm sóc tổng quát trước khi liên hệ đến những nỗ lực của riêng tôi để nuôi và lai tạo loài Satanoperca daemon.
Satanoperca daemon hiện đang xuất hiện ngoài thú chơi chủ yếu được xuất khẩu từ địa bàn “nước đen” (blackwater) ở Colombia. Mặc dù thường kèm theo các chuyến hàng S. jurupari, nhưng hai loài rất dễ phân biệt: S. jurupari có một đốm đen ở nửa trên của gốc đuôi, trong khi ở Satanoperca daemon đốm lan qua đuôi và có viền trắng-lam trông như con mắt (ocellus). Thêm nữa, Satanoperca daemon có hai đốm đen bên lườn, phía đưới đường bên, nhờ đó mà có tên “cá quỷ đốm”.
Là một loài ăn đất, đời sống của Satanoperca daemon gắn bó chặt chẽ với đáy nền; như vậy, hồ nên có đáy nền rộng. Tôi đề nghị hồ dài tối thiểu 4’ (75 gallon) cho cá trưởng thành (vốn có thể dài đến 10” trong hồ nuôi).
Bởi Satanoperca daemon là loài nước đen, việc thảo luận về thành phần hóa học nước là cần thiết. Theo Goulding và đồng sự (1988), địa bàn nước đen thường có pH 3.5-5.3 và cực mềm (thường dưới 1 dH). Đặc trưng của địa bàn này là chất tannin hòa tan khiến nước trở nên đen sẫm như màu trà. Theo kinh nghiệm của tôi rằng điều kiện mà Satanoperca daemon ưa chuộng này, có thể được mô phỏng trong hồ nuôi. Bằng việc sử dụng bộ lọc thẩm thấu ngược (reverse osmosis) và bổ sung thêm các tannic và humic acid (dưới dạng mùn rêu, gỗ đầm, lá sồi hay sản phẩm thương mại tương tự), thì một địa bàn nước đen siêu đơn giản có thể được tạo ra. Điều tương đối quan trọng hơn cả pH và độ cứng là chất lượng nước. Các thành viên thuộc nhóm này dường như nhạy cảm với chất thải mà Satanoperca daemon còn kén hơn nữa. Điều kiện nước kém dẫn đến bệnh lở mút đường bên hay đầu (cephalic hay neuromast pitting) ở Satanoperca daemon không ảnh hưởng đến S. jurupari và S. leucosticta. Lở thường tự lành ở giai đoạn đầu chủ yếu thông qua việc cải thiện chất lượng nước. Việc thay nước nhiều và thường xuyên kết hợp với lọc hóa học hiệu quả (chẳng hạn như PolyFilter) thường mang lại hiệu quả “điều trị”. Chẳng may, việc chữa trị gây ra những vấn đề khác; việc sử dụng PolyFilter loại bỏ tannic và humic acid vốn cần để mô phỏng điều kiện nước đen. Do đó, việc sử dụng [lọc hóa học] cần phải cân nhắc đến giá thành và công sức giữa việc thay phần lớn nước với việc điều chỉnh nước cho phù hợp (mềm, acid và “đen”). Tuy nhiên, việc tiếp tục duy trì hay suy giảm hơn về chất lượng nước có thể dẫn đến một tình trạng gọi là bệnh “phù mỹ” (neotropical bloat). Điều này không có nghĩa rằng bệnh lở mút đường bên là dấu hiệu của bệnh phù mỹ; từng có nhiều trường hợp bị phù mà không có dấu hiệu lở. Theo kinh nghiệm của tôi, bệnh phù mỹ dường như chỉ tác động đến một con – có lẽ là cá thể yếu nhất hay căng thẳng nhất trong quần thể ở một thời điểm. Diễn biến triệu chứng thường như nhau trong mọi trường hợp: bất ngờ giảm ăn, bỏ ăn hẳn, thở gấp, treo mình bất động, và sau cùng, bụng căng phồng dẫn đến tử vong. Thời gian từ khi chớm bệnh đến tử vong có thể từ ba ngày đến nhiều tuần. Khác với bệnh lở, dạng bệnh phù (bloat) này dường như không thể chữa được dẫu cố gắng đến đâu. Cách điều trị phổ biến nhất là naladixic acid, thường được bán dưới tên Nalagram, phải hết sức cẩn trọng khi dùng; dường như cá bị căng thẳng với thuốc cũng tương đương với bệnh phù. Trong ba cá thể bị mắc bệnh phù mỹ, tất cả đều được điều trị như trên; chẳng may tôi không thể cứu hay đảo ngược tình trạng bệnh trong bất kỳ trường hợp nào. Tóm lại, quản lý chất lượng nước là vấn đề quan trọng nhất trong việc nuôi dưỡng Satanoperca daemon; chất lượng nước xuất sắc kết hợp với pH thấp có lẽ là cách phòng bệnh phù mỹ tốt nhất. Sau cùng, điều quan trọng là duy trì nhiệt độ nước ở 84-88 độ F.
Trang trí nên phản ánh các yếu tố về sinh học và sinh thái học của loài này. Theo Goulding và đồng sự (1988), Satanoperca daemon trưởng thành được phát hiện dọc theo các bờ có gỗ trên nền cát. Để đáp ứng hành vi “sàng lọc” của chúng, tôi sử dụng “cát lọc” mịn, nâu nhạt (chẳng hạn như loại trong các bộ lọc cát) làm đáy nền. Một lớp dày 1.5-2” sẽ thường xuyên được sàng lọc và di dời bởi cá, nhờ đó mới có tên “ăn đất” (eartheater). Mặc dù chúng thường trải qua phần lớn thời gian ở vùng nước mở, tôi vẫn cung cấp nhiều “mớ” gỗ ngâm (water-logged) làm chỗ trú ẩn.
Satanoperca daemon là loài cichlid tương đối thụ động (theo tiêu chuẩn hồ nuôi tại gia), khá lãnh đạm với các loài nuôi chung, kể cả các loài nhỏ (dwarf). Tuy nhiên, chúng thường cạnh tranh thức ăn kém khi nuôi chung với những loài characoids lớn, bơi nhanh (chẳng hạn Hemiodopsis spp.; Mylossoma spp.). Cá nuôi chung tốt nhất là các loài cichlid khác vốn không quá “gắn bó với đáy nền” như Uaru amphiacanthoides, Pterophyllum spp. (ông tiên) và Mesonauta spp.. Theo kinh nghiệm của tôi, Satanoperca daemon chẳng cần đến tiêu ngư (dither fish). Nó cũng chẳng nhút nhát như S. jurupari hay S. leucosticta. Xét đến việc quản lý chất lượng nước dễ hơn nhiều khi giảm thiểu tải-sinh học, tôi chuộng nuôi riêng Satanoperca daemonhơn. Hậu quả tiêu cực duy nhất khi nuôi riêng một loài là thỉnh thoảng có con bị rách vây.
Cho ăn chắc chắn là phần dễ dàng nhất trong việc nuôi loài cá khó tính này. Khi còn non, chúng chẳng mấy khi từ chối bất kỳ loại thức ăn thông thường nào. Thức ăn tấm (flake) dường như hơi lắt nhắt với cá lớn, nhưng viên chìm to, “thỏi thức ăn” (foodstick) và thức ăn khô-đông lạnh là những lựa chọn tuyệt vời.
Vào tháng sáu 1990, tôi mua năm con Satanoperca daemon mà chúng được thả trong hồ 35 gal với một bộ lọc mưa (trikle filter) kết hợp với bộ lọc thùng (canister) vận hành bởi máy bơm từ (magnetic drive water pump). Lớp bông lọc (floss) và thùng của bộ lọc mưa được vệ sinh hàng tuần; cũng có một phần trong thùng lọc chứa một lớp PolyFilter, vốn được vệ sinh hàng tuần và thay nếu cần. Hộp lọc nếp (pleated cartridge) của bộ lọc thùng được thay sau mỗi ba tuần. Việc bảo trì máy lọc kết hợp với thay 15% nước/vệ sinh đáy nền mỗi tuần. Nhiệt độ được duy trì ở 88 độ F, độ pH – vì nước máy ở Vancouver rất mềm – là 4.3. Cá dường như rất thoải mái ở điều kiện này và sau mười tám tháng đã tăng trưởng từ kích thước trung bình 1.2” lên 6” lúc mà chúng được chuyển sang hồ 55 gal. Sau khi dời nhà và xây dựng một phòng nuôi cá, tôi có thể dời cá qua hồ 180 gal.
Mãi cho đến khi chúng được gần hai tuổi, một cặp hình thành và thể hiện hành vi bắt cặp. Thông thường, trong hồ nuôi rộng rãi, một cặp sẽ hình thành và, như hầu hết các loài cichlid châu Mỹ, Satanoperca daemon sẽ trở nên hung dữ hơn trong giai đoạn hoạt động sinh sản. Những hoạt động như vậy dẫn đến việc xua dạt cá cùng hồ đến các góc cao hơn của hồ, nhưng thiệt hại duy nhất là rách vây, thỉnh thoảng tróc vảy, và giảm cơ hội tranh mồi. Sau khi quan sát một tuần bắt cặp, tôi bắt và nuôi riêng cặp cá trong hồ 55 gal để thúc đẩy sinh sản. Việc xác định giới tính của loài cichlid đơn hình giới tính (sexually isomorphic) này không dễ dàng. Với những con trưởng thành được nuôi dưỡng tốt, cá cái dường như “có đai” ở bụng và thường “mập mạp” hơn dù không dài hơn cá đực. Cũng theo kinh nghiệm của tôi rằng cá cái bắt đầu đào hố và chủ động ve vãn cá đực, kẻ bỏ nhiều thời gian vào việc xua đuổi cá khác khỏi khu vực hố.
Bắt cặp (courtship) ở Satanoperca daemon là “điển hình”, bao gồm việc kè ngang, “lắc” đầu, câu mỏ và phùng mang. Trong khi bắt cặp và sửa soạn địa điểm đẻ trứng, một lượng đào bới lớn được thực hiện. Các hố được đào trên nền hồ, làm trơ ra phần lớn đáy kiếng với cát chất cao về phía thành hồ. Theo kinh nghiệm của tôi, việc bắt cặp và đào bới kéo dài trong nhiều ngày và có thể kết thúc một cách êm thấm hay – như đã xảy ra ba lần – ngừng sinh sản. Lần sinh sản đầu tiên được thấy thất bại khi cả hai thành viên của cặp cá hóa ra đều là cá cái, đẻ trứng cách nhau ba tuần. Do đó, “cặp cá” được trả về hồ “gốc” với hy vọng một cặp đích thực sẽ hình thành. Vào lần sinh sản thứ hai của một cặp cá khác, cá đực và cá cái đều hoàn thành nhiệm vụ của mình. Cá cái bắt đầu với nhiều đợt “lướt thử” (dry run) lên đáy (kiếng) của hố trước khi rải 15-18 trứng mỗi đợt lướt. Trứng dính, màu xám nhạt và có hình ô-van (đường kính khoảng 1mm). Sau mỗi đợt lướt của cá cái, cá đực bơi vào để thụ tinh cho trứng theo cách thức đẻ trứng-mặt đáy (substrate-spawning) điển hình. Việc rải trứng kết thúc sau 1.5 giờ, thu được khoảng 150-200 trứng sắp xếp theo dạng dĩa tròn.
Trứng không được xử lý như bạn mong đợi ở các loài satanopercoids ấp miệng (mouth-brooding) sơ khai, mà thay vào đó, được chôn dưới lớp cát dày 1.25-1.75” trong nhiều giờ sau khi đẻ! Cách “ấp dưới sỏi” này là độc nhất ở Satanoperca daemonso với các satanopercoids đẻ-hồ cho đến nay. Sau khi đậy trứng, cá cái canh bên trên chúng, hơi nghiêng về một bên và sốt sắng quạt bằng một vây ngực trong khi cá đực đi tuần quanh lãnh địa sinh sản. Ở lần sinh sản này, cá cái quạt trứng trong ba ngày trước khi chuyển sang hành vi không-sinh sản. Trứng không bao giờ được cá cha mẹ dỡ ra, khiến tôi nhận ra rằng đợt sinh sản đã thất bại. Chẳng may, lần sinh sản thứ ba cũng diễn ra và kết thúc giống hệt lần thứ hai. Mặc dù việc bắt cặp và hoạt động đào bới kèm theo vẫn diễn ra trong nhiều tháng sau lần sinh sản thứ ba, không thấy lần đẻ trứng nào nữa. Thách thức dường như ở chỗ tìm ra sự kết hợp đúng đắn giữa các thông số môi trường và hành vi cần thiết cho việc sinh sản thành công.
Tài liệu duy nhất về sinh sản thành công ở Satanoperca daemon (Eckinger, 1987) nói rằng sau khi đẻ, trứng được đậy dưới đáy nền trong nhiều ngày, sau đó ấu trùng được cha mẹ dời sang hố khác nơi mà chúng lại tiếp tục được đậy dưới một lớp đáy nền. Nhiều ngày sau, cá bột bơi tự do được quan sát bên trên đáy nền. Không có dấu hiệu của ấp miệng. Tác giả còn quan sát thấy cá bột tự chôn mình khi chúng sợ hãi. Báo cáo của ông gợi ý hai vấn đề quan trọng liên quan đến sinh sản: (1) thành phần hóa học và chất lượng nước và (2) thể loại và kích thước của đáy nền. Sau nhiều lần sinh sản thất bại, hồ của ông được vệ sinh hoàn toàn và thiết lập thông số 86 độ F, pH 4.5 và độ cứng tổng 2 dH. Cũng vậy, sỏi (đường kính 2-8 mm) được sử dụng làm đáy nền thay vì cát.
Theo Jeff Cardwell (thông tin cá nhân), cá non Satanoperca daemon có thể được thu hoạch trong đám lá vụn ngoài tự nhiên, rất giống với Apistogramma spp. Do đó, về lâu dài, tôi cung cấp đáy nền lá ngâm, với suy đoán rằng Satanoperca daemon có lẽ sử dụng lá để đậy trứng ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, trong hồ nuôi, lá có thể bị chôn vùi trong khi đào bới liên quan đến việc bắt cặp.
Hiển nhiên rằng Satanoperca daemon thể hiện những thách thức về sinh sản và chăm sóc đáng chú ý, nhưng kiến thức và kỹ năng thu được khi làm việc với những loài như thế này là điều khiến cho thú chơi cá cảnh (và nhất là nuôi cá cichlid) hết sức thú vị. Như bạn đọc có thể thấy, bài viết này không kết thúc với một báo cáo sinh sản thành công. Hy vọng, những thông tin ở đây sẽ mang lại nền tảng để trao đổi ý tưởng và gợi ý, điều sẽ dẫn tới thành công trong việc sinh sản loài cá xinh đẹp này.
Phụ lục: Từ khi gửi đăng bài viết này, tôi nhận một cuộc gọi từ Martha Clark ở Detroit, Michigan với câu hỏi về việc sinh sản Satanoperca daemon. Một thời gian ngắn sau trao đổi của chúng tôi, một cặp cá của cô sinh sản. Chúng dọn một cái hố làm trơ cả đáy bể cá nơi chúng rải trứng không-dính trực tiếp lên mặt kiếng rồi mặc kệ. Martha dời trứng qua một lò ấp nơi chúng nở và bơi tự do sau một tuần. Cá bột ăn ngay ấu trùng Artemia mới nở nhưng nhạy cảm (như cá trưởng thành) với chất lượng nước. Tử vong nhiều hơn khi cá bột được phân phối cho những tay chơi khác. Dẫu trải nghiệm của Martha một lần nữa nhấn mạnh đến yêu cầu chăm sóc cao của Satanoperca daemon, ít ra cũng chứng tỏ rằng loài này có thể cho sinh sản được.
Ghi chú ngắn gọn về cá của tôi. Những con trưởng thành được báo cáo ở trên bị mắc bệnh “phù” trong khi tái xây dựng phòng nuôi cá. Sáu con khác được mua vào tháng mười một 1994 và hiện đang tiệm cận độ tuổi và kích thước mà tôi mong chúng bắt cặp và (hy vọng) sinh sản thành công.
Tham khảo
- Eckinger, 1987. Nachtsucht von “Geophagus” daemon. DCG-Info 18(7): ] 32-134
- Goulding, , M. L. Carvalho, and E. G. Ferreira. 1988. Rio Negro, Rich Life in Poor Waters. SPB Academic Publishing, Holland.
- Leibel, W. 1992a. Goin’ South – Part 7 South American Eartheaters. Aquarium Fish (November) p. 42 et seq. 1992b. Goin’ South – Part 8 South American Eartheaters. Aquarium Fish (December) p. 26 et seq.
- Loiselle, P. V. 1980. South American Eartheaters. Geophagus , the genus and its allies. FAMA (June) p. 23 et seq.