Cá Hải Hồ Ngọc Trai – Satanoperca cf. leucosticta – Cá cảnh

Cá cảnh Thái Hòa xin giới thiệu tới người chơi cá cảnh thông tin về dòng cá cảnh cao cấp dành cho những người sành chơi. Cá Hải Hồ Ngọc Trai – Satanoperca cf. leucostica là một trong những loại cá hải hồ đẹp nhất hiện nay.

Nhận dạng
Chi Satanoperca (Günther 1862) được Kullander hồi sinh vào 1986 nhằm lưu giữ những loài mõm dài vốn thuộc chi Geophagus (theo Gosse 1976). Kullander (1986) cũng mô tả Satanoperca jurupari sử dụng những chất liệu từ khắp Amazon và kênh Madre de Dios, và kết luận rằng bất kể vài “khác biệt nhỏ về màu sắc và hình dạng”, tất cả đều là S. jurupari, biến nó thành một trong những loài cichlid Nam Mỹ phân bố rộng nhất. Hơn nữa, Kullander chỉ ra rằng S. jurupari thiếu những đốm sáng trên má và nắp mang mà sau này ông (Kullander 1989) sử dụng như là một trong những đặc điểm nhận dạng màu sắc để phân biệt với S. leucosticta, được mô tả từ các chất liệu Suriname. Theo Kullander (1989), S. leucosticta phân bố ở Guyana và Suriname, tại khu vực trũng phía bắc Guiana Shield vùng đông bắc Nam Mỹ.

Tại điểm này mọi thứ trở nên hơi rắc rối. Hóa ra, có những biến thiên đáng kể về màu sắc hoa văn, nhất là những đốm và chỉ trên mõm, nắp mang và má, ở S. leucosticta đang được nhập vào thú chơi.

Theo nghiên cứu của tôi về Satanoperca vào thập kỷ trước, tôi từng sở hữu các bầy Satanoperca cf. leucosticta từ nhà cung cấp địa phương vốn thông báo nguồn gốc từ Colombia và Guyana. Những cá này có cùng kiểu hoa văn đốm trên má và nắp mang, các chỉ ngang, lượn sóng trên mõm và một hay hai hàng đốm sáng dọc theo chân của vây lưng. Trên thực tế, chúng quá giống nhau, tôi không nuôi chúng chung hồ bởi sợ không thể phân biệt được hai bầy.

Tôi cũng có cơ hội thu thập một loài cá Hải Hồ Ngọc Trai (S. cf. leucosticta) từ hạ Rio Branco ở Brazil. Những con cá Brazil này phô bày loạt chỉ từ mắt đến miệng cũng như đốm má và nắp mang nhưng lại thiếu hàng đốm sáng chạy dọc theo chân của vây lưng. Theo Goulding và đồng sự (1988), đầu nguồn Rio Branco nhập với các dòng chảy đổ vào sông Essequibo-Rupununi ở Guyana. Điều này dẫn đến gợi ý rằng S. cf. leucosticta ở hạ Rio Branco từng có thời đồng cư (sympatric) với S. leucosticta ở Guyana. Nếu đúng là như vậy, thì chúng cách biệt đủ lâu để phân hóa về màu sắc hoa văn.

Từ quan điểm kinh doanh cá cảnh, tôi từng có S. cf. leucosticta vốn phô bày vô số đốm nhỏ, đều trên má và nắp mang, những đường chỉ trên mõm và một hàng đốm sáng dọc theo chân vây lưng. Không may, tôi chẳng có thông tin địa bàn của dạng Satanoperca cf. leucosticta này. Hơn nữa, trong trưng bày về rừng ngập lũ thuộc khu cá cảnh nhiệt đới ở Thủy Cung Vancouver, có một dạng S. cf. leucosticta khác. Chúng có đốm khắp đầu mà không có chỉ mõm nào và cũng thiếu những đốm sáng dọc theo chân vây lưng.

Điểm thú vị ở tất cả chúng đó là không con cá Hải Hồ Ngọc Trai nào giống nhau, nhất là khi so sánh về kích thước và hoa văn của các đốm!

Nuôi dưỡng
Cá đề cập trong bài viết này là cá hoang dã từ Colombia lấy từ nhà cung cấp địa phương. Chẳng may, đấy là phạm vi thông tin mà tôi có bởi nhà cung cấp không thể khẳng định cá thực sự xuất xứ từ Colombia hay chỉ được xuất khẩu từ đó.

Năm con cá bán trưởng thành được thả trong hồ 200 lít (55 gal.) (90 X 45 X 50 cm hay 36 X 18 X 20 inch) lọc bằng AquaClear 300 hay bộ lọc khí (sponge filter). Hồ có đáy nền bằng cát mịn dày gần 3 cm (1 ¼ inch) và nhiều khúc gỗ ngâm làm chỗ trú ẩn. Chiếu sáng cho hồ là đèn phòng bên trên được gắn định thời (timer) vốn bật lúc 3 pm và tắt lúc 10 pm, bổ sung vào ánh sáng tự nhiên từ cửa sổ hướng bắc.

Trong những tuần đầu tiên cá hoàn toàn nhút nhát, vì vậy tôi bổ sung một bầy nhỏ cá rìu bạc (silver hatchetfish Gasteropelecus sternicla) với nỗ lực nhằm khiến cá Hải Hồ Ngọc Trai thoải mái hơn. Nhiều giờ sau khi bổ sung cá rìu, S. cf. leucosticta bèn ra ngoài sục đáy. Chúng nhanh chóng chấp nhận thức ăn được cho: trùng đỏ đông lạnh, trùn đất băm nhỏ, trùn trắng (whiteworm) tươi sống, artemia tươi sống và viên cichlid ngâm. Sự hung dữ với loài khác (intraspecific) hiếm khi nào vượt quá việc rượt đuổi, trong vài giây, thường ngắn hơn sau khi ăn bởi cá đang nhiệt tình sục đáy tìm thức ăn thừa.

Với nỗ lực nhằm duy trì chất lượng nước tốt cho S. cf. leucosticta, mỗi tuần tôi thay 50% nước và vệ sinh bộ lọc. Độ pH được duy trì ở 6.5 và độ cứng là không đổi ở khoảng 5 mg/l CaCO3. Nhiệt độ được giữ ở tầm 28-30 độ C. Năm con lớn chậm trong năm kế tiếp nên chúng được chuyển sang hồ 360 lít (90 gal.) bố trí và duy trì theo cách tương tự với hồ 200 lít (55 gal.) trước đó. Trong khi chúng được dời sang hồ lớn hơn, chúng cũng có thêm đồng ang; bốn cá non S. daemon và hai [phượng hoàng] Microgeophagus altispinosa.

Sinh sản
S. cf. leucosticta được nuôi trong hồ 360 lít (90 gal.) trong bốn tháng khi tôi thấy con lớn nhất (18 cm hay 7 inch chiều dài tổng), có lẽ là cá đực, ở gần một con khác, nhỏ hơn nhiều (12 cm hay 5 inch chiều dài tổng), có lẽ là cá cái. Hai ngày sau, vào buổi chiều, cặp cá được thấy đang đẻ trên giá thể di động duy nhất, một mảnh gỗ nhỏ. Chẳng may, chỉ một phút sau khi đẻ, tất cả cá khác đã thành công trong việc xơi số trứng mới đẻ ra bởi cặp cá thiếu sự hung dữ cần thiết để bảo vệ địa bàn. Điều này dẫn đến việc di dời S. daemon và M. altispinosa sang hồ khác với hy vọng cặp cá sẽ sinh sản lần nữa, chúng có khả năng bảo vệ ổ trứng của mình trước những con S. cf. leucosticta khác.

Sau nhiều tuần, cặp cá dường như sẵn sàng để sinh sản nữa khi chúng trở nên hung dữ hơn với cá khác và trải nhiều thời gian hơn ở góc tối của hồ. Nhiều lá ngâm được bỏ vào hồ nhằm cung cấp một loại giá thể đẻ di động. Vài ngày sau, qua cả đống ve vãn bao gồm diễn ngang, xòe tia mang dưới và kéo lá, cặp đôi đẻ trên mặt lá theo phong cách đẻ trứng mặt đáy ở cichlid. Cá cái khơi mào với nhiều đợt “lướt thử” trên lá, trước khi bắt đầu đẻ trứng. Rồi mỗi lượt cá cái đẻ 10-20 trứng nâu nhạt với cá đực tiến vào thụ tinh cho chúng sau mỗi hai hay ba lượt của cá cái. Cá đực cũng hết sức quan tâm đến việc bảo vệ lãnh thổ, rượt đuổi cá khác bất cứ khi nào chúng đến quá gần địa điểm sinh sản.

Sinh sản kéo dài trong khoảng một giờ khi cá cái tạo ra một mảng tròn bao gồm khoảng 200 trứng. Trứng dính và gắn chặt vào lá mặc dù lá đôi khi được cá dời chỗ. Rất nhanh sau khi sinh sản hoàn tất, lá được che phủ bằng một lớp cát mịn, rồi cá cái tự định vị ngay bên trên lá để bắt đầu quạt trứng. Cá cái độc quyền quạt trứng trong khi cá đực bảo vệ địa bàn sinh sản. Vào giờ ăn, cá cái không rời lá trứng trong khi cá đực vẫn ăn uống nhiệt tình như thường.

Satanoperca leucosticta được thông báo là loài ấp miệng trễ (delayed mouth-brooder), tách ấu trùng ra khỏi trứng để ấp miệng từ 36 đến 48 giờ sau khi đẻ. Những con Colombian Satanoperca cf. leucosticta này thể hiện hình thức sinh sản tương tự. Ở 36 giờ sau khi đẻ, chỉ còn vỏ trứng nằm lại trên mặt lá. Cá cái di chuyển trở lại khi nó hiện giờ đang ngậm ấu trùng trong khoang miệng của mình. Chẳng có mấy căng phồng và ngoài “cặp môi mím chặt”, bạn có lẽ khó nhận ra rằng cá cái đang giữ trứng. Trong những ngày kế tiếp, cá đực không bao giờ được thấy tham gia vào việc ấp ngoài vai trò bảo vệ lãnh thổ như đã nói ở trên. Cá cái bỏ ăn trong khi đang giữ ấu trùng và chỉ ráng ăn vào vài ngày cuối của giai đoạn ấp miệng.

Vào ngày thứ bảy của giai đoạn ấp miệng, sắp sửa phóng thích vào ngày thứ chín, ba con khác được dời khỏi hồ 360 lít (90 gal.) nhằm đảm bảo cá bột bơi tự do sống sót. Trái lại với hầu hết báo cáo rằng S. leucosticta thường rất hòa hợp dẫu không có cá mồi (target fish), cặp cá này là ngoại lệ. Cá đực trở nên rất hung dữ với cá cái, cắn đuôi nó rất tệ. Với nguy cơ cá cái nhả cá bột trong trường hợp như vậy, cá đực cũng được chuyển sang hồ khác.

Vào ngày thứ chín sau khi đẻ, cá cái phóng thích khoảng 200 cá bột bơi tự do. Cá bột được phóng thích không đều và ban đầu trong thời gian ngắn. Vào lúc này, tôi coi hồ 360 lít (90 gal.) với một con cá lớn duy nhất là hơi rộng rãi, theo tình trạng có phần đông đúc ở “những hồ thích hợp khác” mà tôi từng có cả đống kinh nghiệm di dời cá cái “Geophagus” steindachneriđang ấp cá bột (paedeophoretic) và chúng thì, như Leibel (1990) chỉ ra một cách đúng đắn, “mạnh như máy”. Leibel (1990) cũng lưu ý rằng việc di dời cá cái Satanoperca đang ấp cá bột thường thất bại!

Tôi muốn dời cá cái S. cf. leucosticta, vì vậy tôi lập kế hoạch di dời với khả năng đảm bảo sự sống của cá bột, theo ưu tiên của tôi. Bởi vì cá cái đã từng phóng thích những cá bột phát triển tốt, mạnh khỏe nhiều lần, tôi quyết định rằng nếu việc di dời xấu đi và cá cái phun cá bột, thì chúng sẽ được nuôi riêng bên ngoài. Mực nước trong hồ 360 lít (90 gal.) được hạ thấp 25% để hỗ trợ việc bắt cá cái bằng một cái chậu nhỏ đưa vào hồ. Ngay khi cá cái vào chậu, nó được nhấc ra khỏi hồ. Cá cái bất ngờ nhận ra tình huống của mình, nhanh chóng phun ra cá bột. Tuy nhiên, trong vòng 30-40 giây vận chuyển cá cái đến “hồ ươm” 40 lít (10 gal.) bố trí sẵn, nó đã hớp lại tất cả số cá bột mình đã phun ra trong chậu.

Chậu chứa cá cái được nhẹ nhàng đặt vào hồ ươm và nghiêng ra, cho phép nó bơi vào hồ. Hồ ươm được bố trí với nước được lấy từ hồ đẻ và cũng có một đáy nền cát mịn và một mảnh gỗ ngâm làm chỗ trú ẩn. Cá cái bắt đầu dò xét dần hồ mới của mình và trong vòng vài giờ, lần đầu phóng thích cá bột trong hồ ươm. Lúc này tôi cho vào một ít artemia mới nở để cá bột ăn. Tôi phải hoàn toàn bất động phía trước hồ để cá cái nhả con và theo chúng kiếm ăn. Cá bột ăn ngấu nghiến artemia, mặc dù cá cái chỉ chịu ăn nhanh vào mấy ngày đầu.

Cá cái dần chịu ăn lâu hơn và thường xuyên phóng thích hơn trong những tuần tiếp theo. Cá bột trở nên to hơn khiến cá cái khó và chậm thu chúng về miệng mình hơn! Sau ba tuần, cá bột lớn đến độ không cho phép tất cả trú trong miệng cá cái và hiếm khi nào cá bột được thu về khi tôi tiến lại hồ. Vào thời điểm này, cá cái được trả về hồ 360 lít (90 gal.) (bốn cá khác, kể cả cá đực, được trả về hồ từ khi cá cái được dời đi) và 160 cá bột được chuyển vào hồ nuôi thúc 160 lít (40 gal.).

Hồ nuôi thúc (rearing) được lọc bằng AquaClear 200 và bộ lọc khí. Mỗi tuần tôi thay 50% nước và vệ sinh bộ lọc. Khi cá bột lớn lên (chậm!), chúng được cho ăn trùng đỏ đông lạnh băm nhỏ và tấm (flake). Ở gần bốn tháng tuổi, những cá bột lớn nhất được bán cho nhà cung cấp địa phương. Những lứa kế tiếp được bán khi chúng đạt kích thước thương mại nhằm giữ mật độ nuôi thấp, duy trì tốc độ tăng trưởng tốt và chất lượng nước chấp nhận được.

Nhiều tháng sau đợt sinh sản thành công này, cặp cá tương tự được để cho nuôi một lứa khác (không phải lứa nào cũng được nuôi… đây có thể là loài cichlid mắn đẻ!). Lần sinh sản thành công thứ hai này không có gì khác so với lần đầu, cá đực không tham gia vào việc ấp ấu trùng, cá cái được dời sang hồ ươm nơi sau chín ngày ấp, phóng thích 304 cá bột.

Có bao nhiêu loài cá Hải Hồ Ngọc Trai?
Về cá Hải Hồ Ngọc Trai S. leucosticta hiển nhiên là loài phổ biến nhất, nhờ dễ kiếm, dễ nuôi và hành vi sinh sản thú vị của nó. Tuy nhiên, có nhiều dạng hay loài cá Hải Hồ Ngọc Trai (speckled-faced demonfish) S. leucosticta? Tình huống của S. leucosticta có tương tự với nhóm Mesonauta hay có lẽ nhóm Geophagus (theo Kullander) khi mà mỗi dòng kênh lớn lại có một loài riêng? “Các biến thể địa lý” này có cùng chia sẻ một hình thức sinh sản chung?

Để các tay chơi hỗ trợ phần nào cho khoa học trong việc trả lời những câu hỏi này và các câu hỏi khác nữa, chúng ta, như một nhóm, phải cung cấp thông tin nhiều nhất có thể về loại cá Hải Hồ Ngọc Trai mà chúng ta đang nuôi và lai tạo. Mỗi lần có người gửi đăng kinh nghiệm, thông tin về nguồn gốc cá Hải Hồ Ngọc Traicũng như mô tả về màu sắc hoa văn, hay có lẽ một ảnh màu, đều có thể trợ giúp trong việc xác định quan hệ giữa các “biến thể địa lý” thuộc nhóm S. leucosticta.

Tham khảo

  • Goulding, M., M. L. Carvalho and E. G. Ferreira, 1988. “Rio Negro, Rich Life in Poor Waters”. SPB Academic Publishing bv, The Netherlands.
  • Kullander, S.O., 1986. “Cichlid Fishes of the Amazon River Drainage of Peru”. Monograph, Swedish Museum of Natural History.
  • Kullander, S.O., Han Nijssen, 1989. “The Cichlids of Surinam, TeleosteiLabroidei“. E.J. Brill, Leiden, The Netherlands.
  • Leibel, W.S., 1990. “Satanoperca pappaterra (Heckel 1840)”. Buntbarsche Bulletin 140: 14-20.
Bài viết liên quan

Tư vấn miễn phí (24/7) 094 179 2255